Câu hỏi 1: Tôi hay bị hồi hộp đánh trống ngực, đó có phải là bị bệnh tim mạch không?

Trả lời:

  • Hồi hộp đánh trống ngực là một triệu chứng không đặc hiệu xuất hiện khi có bất thường về nhịp đập của quả tim. Nó có thể xảy ra khi ở trạng thái căng thẳng, xúc động quá mức hoặc khi gắng sức. Đôi khi, có thể do dùng các chất kích thích như cà phê, chè, ca cao hoặc tác dụng của thuốc đang dùng…
  • Các bất thường về nhịp đập của quả tim như ngoại tâm thu, nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim không đều...có thể gây nên triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực thường xuyên. Đây có thể là hậu quả của bệnh lý cơ quan khác tác động lên tim như cường tuyến giáp hoặc tại cơ quan tim mạch như bệnh mạch vành, bệnh van tim, rối loạn dẫn truyền trong tim…
  • Việc chẩn đoán nguyên nhân bệnh không khó. BN sẽ được làm điện tim hoặc điện tim 24h, siêu âm tim và xét nghiệm chức năng tuyến giáp…
  • Cần phải xác định nguyên nhân gây bệnh để điều trị triệt để bệnh. Bên cạnh đó, BN cần được giải tỏa tâm lý, bớt lo lắng về trình trạng bệnh. Thiền hoặc yoga để cân bằng cơ thể và kiểm soát cảm xúc. Bệnh tim mạch thường diễn biến thầm lặng, một số có tiền triệu là các rối loạn nhịp tim. Vì vậy, bạn cần thăm khám để sàng lọc sức khỏe tim mạch.

Câu hỏi 2: Các biểu hiện cảnh báo bệnh tim mạch cần cấp cứu là gì? Xin cho biết cách phát hiện và đối phó khi gặp tình huống đó?

Trả lời:

Một số biểu hiện cảnh báo bệnh lý tim mạch cần cấp cứu như sau:

  • Đau thắt ngực:

+ Bệnh nhân đau ngực dữ dội, cảm giác bị bóp nghẹt trong lồng ngực, vị trí cơn đau thường ở phía sau xương ức, đau lan lên vai trái, mặt trong cánh tay trái hoặc lan ra sau lưng… Đây là biểu hiện nghi ngờ hẹp tắc động mạch vành (là động mạch nuôi quả tim) gây nên nhồi máu cơ tim.

+ Bạn cần đến khám ngay tại các cơ sở chuyên sâu về tim mach hoặc gọi cấp cứu 115 nếu bạn đánh giá tình trạng của mình là nguy hiểm đến tính mạng.

  • Các biểu hiện ngừng tuần hoàn

+ Người bệnh đột ngột ngất xỉu, mất phản ứng xung quanh, gọi hỏi không biết, ngừng thở, tím tái toàn thân, đôi khi có biểu hiện co giật hoặc mềm nhũn, có thể xuất hiện đại tiểu tiện không tự chủ.

+ Bạn cần gọi người hỗ trợ và gọi cấp cứu 115 ngay lập tức. Đồng thời bạn cần ép tim – thổi ngạt cho người bệnh ngay.

+ Tư thế ép tim như sau: người cấp cứu quỳ bên cạnh nạn nhân. Đặt hai tay của người cấp cứu (bàn tay phải trên mu bàn tay trái) lên 1/3 dưới xương ức của nạn nhân, ấn mạnh đồng thời cả hai tay cho lồng ngực nạn nhân xẹp xuống. Bạn cần ép tim liên tục thậm chí không cần động tác hà hơi thổi ngạt nếu bạn một mình cấp cứu nạn nhân.

  • Các dấu hiệu đột quỵ

+ BN đột ngột xuất hiện tê hoặc yếu nửa người (một bên tay chân), ngất hoặc hôn mê, mất hoặc rối loạn khả năng nói, rối loạn thị giác, đột ngột mất thăng bằng và phối hợp các động tác, đau đầu dữ dội, nôn không rõ nguyên nhân.

+ BN cần được đưa ngay tới bệnh viện hoặc phòng cấp cứu nơi gần nhất.

  • Khó thở

+ Người bệnh đột ngột khó thở dữ dội, vã mồ hôi.

+ BN cần được đưa ngay tới bệnh viện hoặc phòng cấp cứu nơi gần nhất. Đồng thời, bạn cho người bệnh nằm đầu cao, cho người bệnh thở oxy nếu có.

  • Đau đột ngột chân hoặc tay

+ Người bệnh đi đau đột ngột chân hoặc tay, đau dữ dội. Chân hoặc tay đau lạnh, nhợt hơn so với bên đối diện. Đây có thể là biểu hiện tắc động mạch cấp tính của chân hoặc tay.

+ Khi gặp người bệnh có biểu hiện này, bạn cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức để phẫu thuật lấy cục huyết khối trong lòng mạch ở chân hoặc tay của người bệnh.

 

Câu hỏi 3: Những nguyên nhân nào gây ra bệnh tim mạch?

Trả lời:

Bệnh tim mạch là một trong những nhóm bệnh lí nguy hiểm, được ví như “sát thủ thầm lặng”. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tim và các mạch máu, thủ phạm gây ra các vấn đề sức khỏe nghiệm trọng và khó sửa chữa được hoàn toàn. Trước đây, bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Có nhiều yếu tố trong cuộc sống được chứng minh làm tăng khả năng xuất hiện và tiến triển bệnh lý tim mạch. Các yếu tố đó là:

Hút thuốc: hút thuốc là hoặc hút thuốc lào đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên, tăng huyết áp…

Ít hoạt động thể lực: lười hoạt động thể lực làm tăng khả năng xuất hiện bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành…

- Thừa cân: thừa cân là yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành. Bạn cần duy trì cân năng ở mức hợp lý.

- Căng thẳng (stress): các căng thẳng trong cuộc sống, các stress tâm lý đều được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

- Tăng cholesterol máu: tăng cholesterol máu làm thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, nó là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh lý động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch vành, động mạch chi dưới.

- Tăng huyết áp: tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng, có thể dẫn tới nhiều biến chứng khác nhau ở tim, não, mắt, thận và các mạch máu…, thậm chí có những biến chứng rất nặng và xảy ra đột ngột có thể gây tử vong hoặc tàn phế. Việc chẩn đoán bệnh không khó, bạn có thể đo huyết áp bằng máy cơ hoặc các máy tự động. Bạn cần điều trị tăng huyết áp theo phác đồ của bác sỹ tim mạch để làm giảm nguy cơ tiến triển bệnh lý tim mạch.

- Đái tháo đường: bệnh lý này là yếu tố nguy cơ rất mạnh mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch chủ và bệnh động mạch ngoại biên… Nếu bạn bị đái tháo đường, bạn cần tuân thủ điều trị bệnh này nghiêm ngặt để tránh biến chứng tim mạch.

- Yếu tố gia đình: một số bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh lý cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, hội chứng Brugada có tính chất gia đình.

- Tuổi: nam giới trên 55 tuổi hoặc nữ giới trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.

- Giới tính nam

Mặc dù là bệnh lý nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao, nhưng đều có thể sàng lọc và tầm soát được. Vì vậy, bạn cần khám sức khỏe định kì (điện tim, siêu âm tim, siêu âm mạch máu, xét nghiệm mỡ máu…), sàng lọc các yếu tố nguy cơ để phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tim mạch.

 

Câu hỏi 4: Chế độ ăn uống như thế nào là tốt cho bệnh tim mạch?

Trả lời:

Nếu bạn muốn xây dựng cho mình một chế độ ăn uống tốt cho tim mạch, hãy thực hiện theo các bước sau đây

1. Kiểm soát khẩu phần ăn

- Lượng thức ăn bạn tiêu thụ vào cơ thể cũng quan trọng như việc bạn ăn các loại thực phẩm nào. Nếu bạn ăn quá nhiều hoặc ăn theo kiểu nhồi đến khi bị căng tức bụng sẽ dẫn đến dư thừa lượng calo hơn mức cần thiết.

- Tốt nhất, bạn nên chọn cho mình những thực phẩm ít năng lượng, giàu chất dinh dưỡng, chẳng hạn như trái cây, rau quả tươi;. Hạn chế ăn những loại thức ăn chứa hàm lượng calo cao, giàu natri, ví dụ như thực phẩm chế biến sẵn hoặc đồ ăn nhanh.

2. Ăn nhiều rau xanh và trái cây

- Rau xanh và trái cây luôn là những loại thực phẩm cung cấp nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể. Đặc điểm nổi trội của loại thực phẩm này là ít năng lượng (calo), giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.

- Rau và trái cây cũng giống như các loại thực vật hoặc thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác, có chứa các chất có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch hiệu quả.

- Trong khẩu phần ăn, rau và hoa quả đều rất dễ ăn. Bạn có thể rửa rau sạch sẽ và cất trong tủ lạnh để sử dụng dần. Chọn công thức nấu ăn có rau hoặc trái cây làm nguyên liệu chính, chẳng hạn như rau xào hoặc trái cây tươi trộn vào món salad.

3. Chọn ngũ cốc nguyên hạt

- Là nguồn chất xơ tốt và có chứa nhiều chất dinh dưỡng khác có vai trò thiết yếu trong việc điều hòa huyết áp và sức khỏe của tim. Bạn có thể tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn có lợi cho tim bằng cách thay thế cho các sản phẩm ngũ cốc tinh chế.

- Một số loại ngũ cốc nguyên hạt bạn có thể sử dụng ví dụ như ngũ cốc nguyên hạt farro, quinoa hoặc lúa mạch...

4. Hạn chế sử dụng các chất béo không lành mạnh

- Nồng độ Cholesterol cao trong máu gây nên sự tích tụ các mảng bám trong lòng động mạch, làm hẹp lòng mạch, có thể gây nhồi máu cơ tim, thiếu máu nuôi dưỡng não – chi…

- Một trong những bước quan trọng để giảm nồng độ Cholesterol trong máu là giảm lượng chất béo ăn vào như chọn thịt nạc, cắt bỏ lượng mỡ trong thịt, khi nấu ăn nên giảm lượng bơ…

- Khi sử dụng chất béo, hãy chọn các chất béo không bão hòa đơn, chẳng hạn như dầu ô liu hoặc dầu hạt cải. Chất béo không bão hòa đa, được tìm thấy trong một số loại cá, bơ và các loại hạt cũng là những lựa chọn tốt cho chế độ ăn có lợi cho tim. Tuy nhiên, hầu hết các loại chất béo đều có lượng calo cao nên cần lưu ý sử dụng chất béo một cách điều độ.

5. Chọn nguồn đạm ít béo

- Một số thực phẩm cung cấp nguồn tốt nhất cho bạn như thịt nạc, thịt gia cầm và cá, các sản phẩm từ sữa ít béo và trứng những loại ít chất béo hơn, chẳng hạn như sữa tách kem thay vì sữa nguyên chất và ức gà không da thay vì gà rán.

- Cá là một lựa chọn lý tưởng thay cho các loại thịt nhiều chất béo. Các loại cá giàu axit béo và omega - 3 ví dụ như cá hồi, cá thu và cá trích, giúp làm giảm triglyceride trong máu.

- Những nguồn đạm ít chất béo khác là hạt lanh, quả óc chó, đậu nành và dầu hạt cải. Các loại đậu như đậu Hà Lan và đậu lăng chứa nguồn protein phong phú, ít chất béo và không có cholesterol. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế sử dụng protein từ động vật để giảm lượng chất béo,  và tăng lượng chất xơ.

6. Giảm lượng muối trong thức ăn

- Ăn nhiều muối có thể góp phần gây ra tăng huyết áp, nguy cơ cao bị mắc các bệnh tim mạch.

- Để có một trái tim khỏe mạnh, bạn nên giảm lượng muối tiêu thụ trong chế độ ăn hàng ngày. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị rằng: đối với những người trưởng thành khỏe mạnh nên sử dụng không quá 2.300 miligam (mg) muối mỗi ngày (khoảng một muỗng cà phê muối). Mức lý tưởng nhất là dưới 1.500mg muối mỗi ngày.

- Phần lớn lượng muối bạn tiêu thụ đến từ các thực phẩm đóng hộp hoặc đã chế biến chẳng hạn như súp, đồ nướng, đồ đông lạnh. Chính vì vậy, bạn nên ăn những thực phẩm tươi và tự nấu các món ăn cho mình để làm giảm lượng muối. Tuy nhiên, cũng nên chú ý những thực phẩm được cho là có hàm lượng natri thấp hơn bởi vì chúng đã được thêm muối biển thay vì muối ăn thông thường.

Câu hỏi 5: Tại sao và nên tập thể dục như thế nào là tốt cho tim mạch?

Trả lời:

- Tập thể dục thường xuyên không những giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch mà còn làm cho bạn cảm thấy khỏe khoắn và thoải mái hơn trong cuộc sống!

- Nếu bạn tập thể dục 30 đến 60 phút mỗi ngày và tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần, bạn sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, kiểm soát được các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và béo phì.

- Một số nhà nghiên cứu còn chứng minh rằng ngay cả khi bạn tập thể dục với cường độ nhẹ như đi bộ, chăm sóc cây cảnh, làm vườn… bạn cũng đã giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

- Tập thể dục mặt khác còn giúp bản giảm căng thẳng trong cuộc sống, khỏe hơn, ngủ ngon hơn và ăn ngon miệng hơn.

- Trong các hình thức tập thể dục thì đi bộ được chứng minh rất tốt cho sức khỏe tim mạch, bạn có thể đi bộ mọi nơi, mọi lúc với các tốc độ khác nhau.

- Các hình thức tập thể dục khác như đi xe đạp, tập yoga, bơi… cũng rất tốt cho tim mạch.

- Bạn đừng để vấn đề tuổi tác làm nặng đôi vai mình, người cao tuổi vẫn rất cần tập thể dục, hãy trao đổi với bác sỹ của bạn về hình thức, thời gian tập thể dục.

- Bạn nên ngừng tập thể dục nếu bạn cảm thấy: đau ngực, đau lưng, đau vai, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, mệt, nhịp tim đập nhanh hoặc đập chậm… hoặc khi bạn thấy bạn bị nói ngắt quãng khi đang tập thể dục.

Viết bình luận