Các động mạch vành trái và phải là những động mạch xuất phát từ xoang vành trái và xoang vành phải trong gốc của động mạch chủ, ngay phía trên van động mạch chủ. Động mạch vành trái bắt đầu là một động mạch thân chung và nhanh chóng được phân chia thành động mạch liên thất trước và động mạch mủ. Động mạch vành trái và phải có nhiệm vụ cung cấp máu cho tim. Khi tình trạng xơ vữa động mạch vành xảy ra sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và khi mảng xơ vữa trong thành động mạch bị viêm loét và nứt trên bề mặt, dẫn đến sự kết tập tiểu cầu và các yếu tố đông máu, tạo thành cục máu đông – căn nguyên của cơn nhồi máu cơ tim vô cùng nguy hiểm.

1. Xơ vữa động mạch vành là gì?

Xơ vữa động mạch vành hay xơ vữa mạch vành xảy ra khi các mảng bám tích tụ trên thành bên trong động mạch, khiến động mạch trở nên cứng và hẹp. Mảng bám là một chất kết dính được tạo thành từ chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác.

Khi mảng xơ vữa xuất hiện trên thành bên trong động mạch vành sẽ gây hẹp động mạch vành, dẫn đến thiếu máu cơ tim. Nếu không được phát hiện và có biện pháp điều trị phù hợp, người bệnh sẽ đối mặt với các vấn đề sức khỏe nguy hiểm như nhồi máu cơ tim và thậm chí có thể đột tử.

2. Nguyên nhân gây xơ vữa mạch vành

Khi tỷ trọng LDL – Cholesterol hay cholesterol “xấu” – quá cao khiến cơ thể không đào thải hết sẽ dần tích tụ trong thành động mạch vành. Lúc này, cơ thể gửi một “phi hành đoàn” bao gồm tế bào bạch cầu và các tế bào khác đến vị trí nhiễm độc để xử lý tổn thương. Suốt nhiều năm sau đó, cholesterol tiếp tục tích tụ trong lòng động mạch vành, và quá trình cơ thể phản ứng với nó tạo ra mảng bám. Chính mảng bám này là tác nhân làm thu hẹp lòng mạch, cản trở lưu lượng máu và gây ra bệnh.

Các yếu tố sau góp phần làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch vành:

3. Triệu chứng thường gặp

Xơ vữa động mạch vành thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi động mạch hẹp nặng hoặc bị tắc hoàn toàn. Nhiều người thậm chí không biết mình mắc bệnh cho đến khi được cấp cứu y tế bởi một tình trạng khẩn cấp, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Bạn có thể cảm nhận được các triệu chứng nếu động mạch vành bị tắc nghẽn trên 70%. Sự tắc nghẽn này làm cho lưu lượng máu đến tim chậm lại, kết quả là tim không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết.

Một số dấu hiệu cảnh báo sớm tình trạng mạch vành bị xơ vữa bao gồm:

  • Đau ngực (đau thắt ngực) khi tập thể dục hay khi làm việc nặng gắng sức. Cơn đau này thường chấm dứt khi bạn nghỉ ngơi
  • Khó thở
  • Mệt mỏi hơn bình thường

Nếu mạch vành bị tắc nghẽn bởi cục máu đông, bạn có thể đối mặt với cơn nhồi máu cơ tim với những triệu chứng như:

  • Tức ngực dữ dội
  • Đau ở một hoặc cả hai cánh tay lan xuống vai
  • Khó chịu ở cổ hoặc hàm
  • Buồn nôn và nôn
  • Tim đập nhanh
  • Đổ mồ hôi
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu

Khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ xơ vữa động mạch vành, hoặc bạn có một trong số các yếu tố nguy cơ của bệnh, cần đến bệnh viện thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

4. Biến chứng xơ vữa động mạch vành

Các mảng xơ vữa trong động mạch vành có khả năng dẫn tới những biến chứng sau:

  • Dày lên, làm hẹp lòng mạch và chặn dòng chảy của máu trong động mạch vành. Quá trình này ở giai đoạn đầu thường không gây ra bất kỳ triệu chứng gì.
  • Khi động mạch bị tắc nghẽn rất nhiều, bệnh nhân có thể gặp phải cơn đau thắt ngực ổn định. Đây là cơn đau ngực hay gặp phải khi hoạt động, biến mất khi nghỉ ngơi. Tuy nó không phải một cơn nhồi máu cơ tim nhưng là dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và cần được điều trị tích cực bằng thuốc.

Mảng bám bị vỡ, làm cho cục máu đông hình thành bên trong động mạch vành. Sau đó, có 2 trường hợp xảy ra:

  • Cục máu đông không làm tắc nghẽn hoàn toàn mạch máu. Nó sẽ tan biến mà không gây nhồi máu cơ tim.
  • Động mạch vành bị tắc nghẽn bởi cục máu đông, khiến cơ tim đói chất dinh dưỡng và oxy đến mức không thể phục hồi chức năng.
  • Các cục máu đông có thể hình thành trong bất kỳ động mạch nào của tim, kể cả những động mạch chỉ bị tắc nghẽn nhẹ.

5. Phương pháp chẩn đoán

Để xác định xem bạn có bị xơ vữa động mạch hay không, trước tiên, bác sĩ sẽ tìm hiểu về tiền sử gia đình cũng như bệnh sử cá nhân của bạn, các yếu tố nguy cơ mắc xơ vữa động mạch của bạn. Tiếp đó, bác sĩ thăm khám một cách toàn diện.

Bạn sẽ được chỉ định làm xét nghiệm máu để xác định chỉ số cholesterol, định lượng đường trong máu, chức năng gan và chức năng thận.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tiến hành các cận lâm sàng. Việc làm này sẽ giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn. Các cận lâm sàng giúp chẩn đoán xơ vữa động mạch vành bao gồm:

  • Siêu âm tim: cho hình ảnh rõ nét về các van và buồng tim, đồng thời đánh giá xem tim bạn đang bơm máu tốt như thế nào.
  • Đo điện tâm đồ (EKG): đo hoạt động điện và nhịp tim
  • Những nghiệm pháp gắng sức như trắc nghiệm gắng sức bằng thảm lăn, siêu âm tim gắng sức xe đạp hoặc siêu âm tim gắng sức bằng thuốc: giúp đánh giá những vùng cơ tim thiếu máu, từ đó có thể định vị động mạch vành bị tổn thương.
  • Chụp MSCT mạch vành hoặc chụp mạch vành bằng thông tim: phát hiện mức độ tắc nghẽn của các động mạch vành và có thể can thiệp đặt stent khi cần.

6. Điều trị bệnh xơ vữa động mạch vành

  • Làm chậm hoặc ngăn chặn sự tích tụ mảng bám trong thành động mạch vành
  • Cải thiện triệu chứng
  • Ngăn ngừa các biến chứng như sự kết tập tiểu cầu gây cục máu đông, tắc hẹp mạch vành, nhồi máu cơ tim…
  • Giúp máu lưu thông tốt hơn bằng cách mở rộng lòng động mạch vành, khắc phục tình trạng tắc nghẽn

Các phương pháp hiệu quả giúp điều trị bệnh xơ vữa mạch vành bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc và tiến hành thủ thuật hoặc phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng xơ vữa và nguy cơ biến chứng tiềm ẩn, bác sĩ sẽ đưa ra cho bạn biện pháp tốt nhất.

Duy trì lối sống lành mạnh là rất quan trọng để kiểm soát tình trạng xơ vữa động mạch vành, giúp các triệu chứng không trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Người bệnh cần:

  • Bỏ thuốc lá vì khói thuốc lá là tác nhân làm hỏng thành động mạch và làm giảm lượng oxy trong máu.
  • Thay đổi chế độ ăn uống: hạn chế các loại thực phẩm giàu cholesterol xấu như thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chiên rán, thức ăn nhanh…; hạn chế các thực phẩm nhiều muối và đường; tăng cường ăn tinh bột tốt, chất béo tốt và chất xơ.
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng làm tăng huyết áp. Vì vậy, kiểm soát được stress đồng nghĩa với duy trì huyết áp ở mức khỏe mạnh.
  • Tập thể dục thường xuyên.

Các loại thuốc được kê đơn trong điều trị xơ vữa động mạch vành có tác dụng:

  • Kiểm soát huyết áp
  • Giảm cholesterol xấu
  • Quản lý mức đường huyết
  • Ngăn ngừa sự kết tập tiểu cầu gây cục máu đông

Một số trường hợp bị xơ vữa động mạch tiến triển có thể phải tiến hành các thủ thuật/phẫu thuật, chẳng hạn như:

  • Nong hoặc đặt stent động mạch vành
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

7. Biện pháp phòng ngừa

Tuy không ngăn ngừa được hoàn toàn chứng xơ vữa động mạch vành nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách:

  • Có chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Hoạt động thể chất đều đặn: bắt đầu với những buổi đi bộ ngắn và tăng cường độ lên 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Kiểm soát các vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt là bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và cholesterol cao.
  • Nói “không” với thuốc lá.
  • Kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ.

Viết bình luận