Ngưng thuốc khi huyết áp ổn định, dùng chung đơn thuốc, tự ý đổi thuốc, không tái khám… là những sai lầm khi điều trị tăng huyết áp dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
1. Ngưng thuốc điều trị huyết áp khi thấy huyết áp ổn định
Rất nhiều bệnh nhân tự ý ngưng thuốc huyết áp khi thấy chỉ số huyết áp về bình thường vì cho rằng đã hết bệnh tăng huyết áp. Và họ chỉ uống khi nào thấy huyết áp cao thôi. Điều này rất nguy hiểm vì huyết áp về bình thường là do tác dụng của thuốc, khi ngưng thuốc nồng độ thuốc trong người không còn nữa nên chắc chắn huyết áp sẽ tăng trở lại. Nhiều bệnh nhân không có biểu hiện gì đặc biệt khi huyết áp cao nên người bệnh khó nhận ra để uống thuốc lại và nếu huyết áp lên quá cao sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm như xuất huyết não…
“Tăng huyết áp là bệnh không bao giờ chữa hết mà chỉ ổn định với thuốc. Chúng ta có thể sống hòa bình với bệnh với điều kiện chúng ta cần uống thuốc đều đặn suốt đời. Người bệnh không được tự ý ngưng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ”
2. Dùng chung đơn thuốc với người khác, chủ quan không đi khám bệnh
Huyết áp cao thậm chí chỉ số đo được đến 200/100mmHg nhưng do không có triệu chứng gì khiến nhiều người chủ quan bệnh nhẹ nên không đi khám bệnh và không điều trị.
Một số người khác cho rằng toa thuốc huyết áp của một người có thể điều trị hết cho tất cả mọi người nên xin toa của người khác về mua uống và tự điều trị tại nhà. Điều này rất nguy hiểm vì mỗi bệnh nhân có tình trạng sức khỏe, chỉ số huyết áp, giai đoạn của bệnh, các bệnh lý khác đi kèm khác nhau.
Do đó, mỗi người sẽ được chỉ định điều trị khác nhau. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không được sử dụng chung đơn thuốc với người khác và cần dùng thuốc theo toa thuốc được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
3. Tự ý đổi thuốc huyết áp đang dùng
Nhiều bệnh nhân đang dùng thuốc hạ huyết áp ổn định lại tự ý bỏ và đổi bằng một loại thuốc khác với hy vọng tốt hơn thuốc cũ. Bệnh nhân không nên tự thay đổi thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Loại thuốc hạ huyết áp tốt nhất là thuốc giúp kiểm soát tốt huyết áp, ít tác dụng phụ và giá thành hợp lý. Đối với người này, loại thuốc đó có thể rất tốt nhưng đối với người khác lại kém hiệu quả. Do đó, người bệnh không nên tự ý đổi thuốc khi huyết áp đang ổn định.
4. Dùng thuốc y học cổ truyền trôi nổi, không rõ nguồn gốc hoặc thuốc tự chế
Cho đến thời điểm này, không ít bệnh nhân vẫn tin vào thuốc thảo dược và sợ thuốc tây y vì nghĩ rằng thuốc tây y nhiều tác dụng phụ hơn thuốc thảo dược. Một số người nghe những người xung quanh truyền tai nhau về cách tự mua lá cây, rễ cây về nấu nước uống, mà không biết rằng loại thuốc tự chế này có thể làm tăng men gan hoặc tổn thương thận.
Thuốc thảo dược nếu được nghiên cứu lâm sàng và có nguồn gốc rõ ràng có thể dùng dưới sự giám sát của bác sĩ. Nhưng cần lưu ý rằng các loại thuốc thảo dược phần lớn chỉ hỗ trợ điều trị tăng huyết áp chứ không phải thuốc đặc trị tăng huyết áp. Nếu chủ quan tự điều trị, không đi tái khám huyết áp định kỳ, người bệnh có nguy cơ gặp phải những biến chứng tăng huyết huyết áp nguy hiểm đến sức khỏe.
5. Dùng một đơn thuốc kéo dài, không đi khám định kỳ
Huyết áp thay đổi có thể tốt hơn và cũng có thể xấu đi kèm theo đó là nhiều biến chứng mà chúng ta khó nhận ra. Vì vậy, chúng ta cần tái khám định kỳ, để được bác sĩ kiểm tra sức khỏe, điều chỉnh thuốc, liều lượng phù hợp từng giai đoạn nếu cần, tuyệt đối không tự ý dùng mãi một đơn thuốc kéo dài.
6. Người khỏe mạnh bình thường không cần kiểm tra huyết áp
Nhiều bệnh nhân có huyết áp tăng cao nhưng lại không có triệu chứng rõ ràng nên không biết mình bị tăng huyết áp. Bệnh tiến triển thầm lặng và dần dần gây ra các biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận… Do đó, mỗi người, dù ở độ tuổi nào cũng nên kiểm tra sức khỏe và huyết áp định kỳ để phòng ngừa bệnh.
7. Không theo dõi huyết áp thường xuyên
Nhiều người nghĩ rằng khi uống thuốc rồi hiển nhiên huyết áp sẽ ổn định và không cần đo huyết áp tại nhà. Khi có vấn đề xảy ra người bệnh vẫn không nghĩ là huyết áp không ổn định gây ra. Dù đã uống thuốc uống nhưng người bệnh sẽ không biết liệu thuốc đã đủ liều điều trị chưa, vì quá liều sẽ gây tụt huyết áp hay thiếu liều thì huyết áp vẫn còn cao. Do đó, chúng ta cần phải theo dõi huyết áp tại nhà mặc dù đã uống thuốc.
8. Tăng huyết áp là bệnh của người già, người trẻ không bị
Mặc dù tăng huyết áp thường xảy ra nhiều ở người già, nhưng người trẻ vẫn bị bệnh. Hiện nay, tình trạng này đang có xu hướng trẻ hóa do nhịp sống hiện đại nhiều áp lực, lối sống không lành mạnh: nghiện rượu, thuốc lá, thuốc lào, béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng axit uric máu, ăn mặn, ít vận động, môi trường làm việc căng thẳng nhiều stress,… Và tăng huyết áp ở người trẻ thường có nguyên nhân rõ ràng.
9. Tăng huyết áp ở người già là chuyện bình thường, không cần điều trị
Nhiều người nghĩ rằng lớn tuổi thì bị tăng huyết áp là bình thường, không cần điều trị gì cả. Nên hiểu rằng tăng huyết áp ở người già được coi là bệnh lý như bất cứ một bệnh nào khác ở mọi lứa tuổi và cần phải được theo dõi, tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
10. Tăng huyết áp không có nguyên nhân
Phần lớn bệnh nhân cho rằng tăng huyết áp là vô căn nghĩa là không có nguyên nhân. Tuy nhiên, không phải hoàn toàn như vậy. Bệnh gồm hai loại:
- Tăng huyết áp nguyên phát là bệnh không tìm thấy căn nguyên gây bệnh hay được gọi là tăng huyết áp vô căn, loại này chiếm từ 90 – 95% tổng số các trường hợp tăng huyết áp nói chung;
- Tăng huyết áp thứ phát là loại có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng do u tủy thượng thận, hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch thận, do bệnh lý thận, bệnh cường giáp hoặc suy giáp…
Đối với huyết áp tăng vô căn, người bệnh bắt buộc phải uống thuốc hàng ngày để giữ cho huyết áp ổn định ở mức bình thường. Trường hợp bệnh có nguyên nhân rõ ràng, nếu điều trị tốt nguyên nhân gây bệnh thì huyết áp có thể về trị số bình thường hay có thể chữa khỏi. Vì vậy, khi bị tăng huyết áp, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để tìm nguyên nhân nào gây tăng huyết áp để điều trị trước khi kết luận là bệnh thuộc nhóm nào.
11. Chỉ cần uống thuốc huyết áp, không cần điều chỉnh lối sống
Chính chế độ ăn uống không khoa học dẫn đến thừa cân – béo phì, ăn mặn, ít vận động, áp lực công việc, cuộc sống căng thẳng, lạm dụng bia rượu, hút thuốc lá… là các yếu tố nguy cơ góp phần gây tăng huyết áp. Do đó, ngoài việc dùng thuốc, việc điều chỉnh chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, tập luyện thể lực phù hợp sẽ hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
12. Chỉ thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và không uống thuốc huyết áp
Một số người nghĩ chỉ cần ăn nhạt, tập luyện để giảm cân là có thể cải thiện bệnh tăng huyết áp nên không uống thuốc. Các biện pháp này chỉ có vai trò bổ trợ, chứ không thể thay thế thuốc. Người bệnh vẫn phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp thay đổi lối sống, tăng cường vận động.
Viết bình luận