Ngưng thở khi ngủ là chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng tiềm ẩn. Nếu bạn ngáy to và cảm thấy mệt mỏi ngay cả sau khi ngủ 7 – 9 tiếng mỗi đêm, có thể bạn đã gặp phải chứng này.
1. Ngưng thở khi ngủ là gì?
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng khiến bạn ngưng thở từng lúc khi ngủ. Có 3 loại ngưng thở khi ngủ: ngưng thở tắc nghẽn (OSA), ngưng thở trung tâm (CSA) và ngưng thở kiểu hỗn hợp.
- Bình thường khi ngủ, không khí di chuyển ra vào qua mũi, họng và phổi theo từng nhịp thở đều đặn. Ở người bị ngưng thở khi ngủ, sự di chuyển của không khí bị giảm hoặc ngừng từng lúc.
- Ngưng thở tắc nghẽn do hẹp hoặc đóng đường họng. Ngưng thở trung tâm do não không gửi tín hiệu đúng đến cơ hô hấp làm thay đổi nhịp thở và mất kiểm soát thở.
- Người bệnh có thể không biết họ bị ngưng thở trong lúc ngủ. Nhưng thỉnh thoảng, họ thức dậy trong tình trạng hốt hoảng hoặc thở hổn hển. Họ cũng thường bị người ngủ chung than phiền rằng họ ngáy khi ngủ.
2. Ngưng thở khi ngủ có nguy hiểm không?
Người ngưng thở khi ngủ không có giấc ngủ chất lượng tốt. Vì vậy, họ thường mệt mỏi và không tỉnh táo, khó tập trung, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Điều đó làm tăng nguy cơ gặp tai nạn khi lái xe cũng như những nguy cơ tai nạn khác.
Nghiên cứu cho thấy người ngưng thở khi ngủ không được điều trị sẽ tăng nguy cơ huyết áp cao, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim và đột quỵ.
Yếu tố nguy cơ
Những yếu tố làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ là:
- Tuổi tác: Chứng ngưng thở khi ngủ thường xảy ra ở người trung niên hoặc cao tuổi;
- Nam giới: Ngưng thở tắc nghẽn xảy ra ở nam nhiều gấp hai lần so với nữ;
- Thừa cân – béo phì;
- Nghiện rượu;
- Bất thường đường thở.
3. Triệu chứng ngưng thở khi ngủ là gì?
Triệu chứng chính của chứng ngưng thở khi ngủ là ngáy lớn, mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày. Những biểu hiện khác có thể là:
- Ngủ không yên;
- Thức dậy do nghẹt thở hoặc thở hổn hển;
- Nhức đầu buổi sáng, khô miệng hoặc đau họng;
- Tiểu đêm nhiều lần;
- Thức dậy với cảm giác bất ổn hoặc lảo đảo;
- Khó tập trung và ghi nhớ.
Một vài người không có triệu chứng hoặc không biết đó là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Biểu hiện của họ thường là mệt mỏi hoặc ngáy nhiều.
4. Làm thế nào để chẩn đoán ngưng thở khi ngủ?
Chẩn đoán ngưng thở khi ngủ phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên gia. Phương pháp chẩn đoán thường dựa vào bệnh sử, thăm khám trực tiếp và thực hiện trắc nghiệm chẩn đoán.
Khi nghi ngờ bạn bị chứng ngưng thở khi ngủ, bác sĩ sẽ cho bạn làm trắc nghiệm để khảo sát, gọi là “đa ký giấc ngủ”. Trắc nghiệm này thường thực hiện tại bệnh viện. Bạn phải ở lại một đêm trong bệnh viện để gắn máy theo dõi nhịp tim, nhịp thở, lượng oxy trong máu, những giai đoạn của giấc ngủ và các chức năng khác.
5. Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ
Mục tiêu của điều trị là giữ đường thở mở khi ngủ. Các phương pháp phổ biến bao gồm:
- Điều trị ưu tiên và hiệu quả nhất cho chứng ngưng thở khi ngủ là sử dụng áp lực không khí từ dụng cụ cơ học để giữ cho đường thở trên mở lúc ngủ, gọi là máy thở áp lực dương liên tục (CPAP). Người có máy CPAP phải đeo mặt nạ nối với ống để tạo ra áp lực, giúp thở bất cứ khi nào bệnh nhân ngủ. Thở máy CPAP có thể khó chịu lúc đầu nhưng với máy này, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và khỏe hơn.
- Một số dụng cụ khác như dụng cụ miệng hay nẹp hàm giúp đường thở mở khi bạn ngủ. Nhưng chúng không tốt như CPAP trong điều trị ngưng thở khi ngủ.
- Phẫu thuật: Đây là điều trị thay thế nếu bệnh nhân không dung nạp hoặc triệu chứng không được cải thiện khi áp dụng các biện pháp điều trị khác. Theo đó, người bệnh sẽ được phẫu thuật tái cấu trúc đường hô hấp trên hoặc chỉnh lại xương hoặc mô mềm. Tuy nhiên, phẫu thuật không phải luôn hiệu quả và chứng ngưng thở khi ngủ có thể tái phát.
- Đề nghị người bệnh giảm cân nếu họ bị thừa cân – béo phì.
- Thay đổi tư thế khi ngủ: Tránh nằm ngửa để cải thiện chất lượng giấc ngủ, nên ưu tiên nằm nghiêng.
- Tránh rượu bia và các chất kích thích khác.
Viết bình luận